CON TRAI THỨ MƯỜI - Chương 9 - 10

Cập nhật lúc: 2024-07-07 12:40:07
Lượt xem: 2,081

 

09

 

「Em chín tè rồi!」 Em bảy hét lên.

 

Truớc lúc phỏng vấn, tôi mới cho em út uống thêm một bình sữa để chờ nó tè.

 

Em út Đình Đình mặc tã vải kiểu cũ rất dễ bị rò rỉ nước tiểu. 

 

Vừa nãy Em hai bế bé, bị tè ướt hết người. 

 

Mẹ thấy vậy lập tức nổi nóng: 

 

“Lai Đệ, sao lại trông em như vậy? Mẹ đã bảo là phải thay tã kịp thời rồi mà!” 

 

“Mấy hôm nay toàn mưa, có mỗi vài miếng tã vải thì lấy đâu ra bấy nhiêu mà thay.” Em hai nói. 

 

Tôi cũng nhân cơ hội nói thêm: 

 

“Mẹ ơi, hôm nay tình huống đặc biệt, có thể tạm mượn em trai một miếng tã giấy không? Chứ không em út cứ phải mặc tã ẩm mốc thế này.” 

 

Mẹ có vẻ không mấy vui, bà vẫn luôn cho rằng tã giấy là đồ dùng tiêu hao như vậy, dùng cho con gái là phí phạm. 

 

Bà miễn cưỡng nói: 

 

“Mẹ đâu có không muốn cho Đình Đình dùng, chỉ tại tã giấy của em nó nhỏ quá, nó mặc sẽ không vừa thôi.” 

 

“Thế mẹ cứ đi mua cho em út cái tã vừa đi.” Em hai nói. 

 

“Người lớn nói mà cũng cãi!” Bố không giữ được bình tĩnh nữa rồi. 

 

Có lẽ là không muốn mất mặt trước ống kính nên mẹ kéo áo bố ra hiệu bố đừng nói nữa, rồi mở tủ lấy ra một cái tã giấy đưa cho Em hai.

 

Em hai bế em út về phòng, một lúc sau đã thay xong tã giấy và quần áo rồi quay lại. 

 

Sự thật chứng minh là em út dù đã một tuổi rưỡi nhưng cố mãi cũng có thể mặc vừa tã giấy của em mình. 

 

So với cậu bé mập mạp kia thì em út vốn vẫn luôn bị suy dinh dưỡng, gầy ốm trông thấy. 

 

Chứng kiến toàn bộ sự việc, dì Tần nhẹ nhàng hỏi: 

 

“Nuôi mười đứa con chắc áp lực kinh tế cũng rất lớn nhỉ?” 

 

“Ổn mà,” bố trả lời rất vô tư: 

 

“Chẳng phải trẻ con chỉ tốn thêm vài cái bát đũa thôi sao.” 

 

Thực ra không chỉ đơn giản là thêm vài cái bát đũa. 

 

Tã giấy cho trẻ sơ sinh, băng vệ sinh cho trẻ lớn hơn, chưa kể quần áo giày dép, đồ dùng học tập, cái nào chẳng cần tiền? 

 

Mẹ vẫn luôn là bà nội trợ toàn thời gian, trải qua gần cả đời trong cảnh ngửa tay xin tiền chồng, mẹ hiểu rõ hơn bố nỗi khổ kiếm được đồng nào phải xẻ làm đôi. 

 

Bà rất muốn thông qua chương trình này để được nhiều mạnh thường quân quyên góp thêm, vì thế liền vội vàng thêm vào: 

 

“Nhà tôi anh ấy một tháng kiếm được hơn ba ngàn cũng đủ tiêu rồi. Nhưng nếu có nhiều tiền hơn thì chắc chắn có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống của bọn trẻ!” 

 

Nghe mẹ nói vậy, tôi thầm nghĩ, dù có bao nhiêu tiền nữa thì cũng chỉ có ba người trong nhà họ được hưởng chất lượng cuộc sống “cao” hơn thoải mái hơn thôi. 

 

Còn chín chị em chúng tôi chỉ là người ngoài. 

 

Buổi phỏng vấn đến đây, thái độ không coi trọng giáo dục những đứa con gái, trong cuộc sống hằng ngày hờ hững với các con gái đã thể hiện rất rõ. 

 

Nhưng thế vẫn chưa đủ. 

 

Là gia đình duy nhất toàn thành phố có mười người con, nếu chỉ có vậy thì quá bình thường. 

 

Còn có một “quả bom” khủng khiếp hơn nữa.

 

10

 

Tôi dắt Em bảy đang trốn sau lưng mình ra, nhẹ nhàng hỏi bé: 

 

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.vn - https://monkeyd.vn/con-trai-thu-muoi/chuong-9-10.html.]

“Phú Đệ, nếu nhà mình có nhiều tiền, em muốn mua gì?” 

 

Phú Đệ cười khờ khạo vài tiếng, đờ đẫn trả lời: 

 

“Kẹo kẹo! Phú Đệ ăn kẹo kẹo!” 

 

“Con hỏi em ấy làm gì!” Mẹ trợn mắt nhìn tôi rồi hạ giọng nói. 

 

Tôi giả vờ vô tội: “Mẹ vừa mới bảo có nhiều tiền hơn thì có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống của bọn con mà. Con chỉ muốn hỏi trước em gái xem muốn mua gì thôi.” 

 

Em bảy mở to đôi mắt hạnh xếch lên, chỉ tay về phía mẹ liên tục nhắc đi nhắc lại: 

 

“Kẹo kẹo! Kẹo kẹo! Kẹo kẹo!” 

 

“Nhanh đưa em đi chỗ khác chơi!” Mẹ lôi Em bảy đến bên Em ba Tưởng Đệ, xô thẳng hai đứa ra khỏi phòng khách. 

 

Nhưng đã muộn rồi, mọi người đều chú ý tới đường nét khuôn mặt khác lạ của Em bảy: 

 

Đôi mắt hạnh xếch lên, khoảng cách giữa hai mắt rất xa, sống mũi thấp, môi dày. Em bảy là trẻ mắc hội chứng Down. 

 

Theo kế hoạch, sau khi “dẫn dắt” Em bảy lộ diện thì tới lượt dì Tần hỏi. 

 

Dì Tần nhìn thẳng vào mắt mẹ, nghiêm túc hỏi: “Chị đã từng đi khám tiền sản chưa?” 

 

Mẹ quay mặt đi, im lặng không trả lời. 

 

Bố tỏ ra rất khinh thường: “Khám tiền sản chỉ là bệnh viện bày ra để lừa tiền! Cầm cái que gõ gõ vào bụng mà khám được cái gì? Đến giới tính cũng không cho biết, vô dụng quá!” 

 

Dì Tần cau mày: 

 

“Khám tiền sản là biện pháp quan trọng của y học hiện đại để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Ít nhất nếu phát hiện ra hội chứng Down thì chắc chắn họ sẽ thông báo cho chị.” 

 

Nghe đến đây, mẹ không nhịn được nữa: 

 

“Là tôi không muốn đi khám tiền sản sao? Tiền khám đắt như vậy, khám toàn bộ phải mất tới mấy ngàn, biết lấy đâu ra tiền?” 

 

Bà sụt sùi vài tiếng, rồi nói tiếp: 

 

“Ai ngờ… ai ngờ lại vận xui đen đủi đến mức trúng phải thứ con này!” 

 

Có lẽ là rất muốn thể hiện tốt trước ống kính nên bố, người vẫn luôn làm ngơ trước những cảm xúc tiêu cực của mẹ, bèn tiến lại ôm lấy bà, an ủi: 

 

“Không sao, may mà Diệu Tổ con trai chúng ta khỏe mạnh là tốt rồi.” 

 

Đây chính là bố mẹ của tôi. 

 

Họ mang theo tâm lý như đang đánh canh bạc mà sinh ra mười anh chị em chúng tôi. 

 

Chín chị em chúng tôi, chỉ là những viên xúc xắc được tung ra liên tục cho đến khi được viên đẹp nhất. 

 

Họ hoàn toàn không hề coi chúng tôi là con người. 

 

Họ đã hoàn toàn phớt lờ số phận của chín chị em chúng tôi.

 

Xin hãy cứu chúng tôi — đó là điều duy nhất tôi muốn thể hiện trước ống kính. 

 

Hỏi xong mấy câu chung chung đã chuẩn bị trước, dì Tần hỏi đến diễn biến tiếp theo: 

 

“Chúng ta có nên bắt đầu trò chơi bắt lễ vật không?” 

 

“Đúng rồi đúng rồi, bắt lễ vật đi! Nhà tôi đã chuẩn bị rất nhiều đồ chơi rồi!” 

 

Bố thở phào nhẹ nhõm, ông thực sự không muốn tiếp tục bị hỏi những câu hỏi vô nghĩa nữa. 

 

Trong suy nghĩ của bố, người con trai cưng của ông mới là nhân vật chính, bắt lễ vật cũng như các nghi lễ của tiệc mừng trăm ngày mới là trọng điểm. 

 

Nhưng trên thực tế, chúng tôi quay cảnh tiệc mừng trăm ngày của em trai thứ mười chỉ vì bối cảnh tình cờ phù hợp. 

 

Đã đến đây rồi thì thuận tiện quay thêm chút tư liệu mà thôi. 

 

Thế nhưng điều không ngờ tới đã diễn ra, ngay sau đó, cảnh đáng sợ nhất đã xuất hiện.

 

 

Bình luận

1 bình luận

  • Ồ quao. Tốt nghiệp đại học mà tư tưởng thật pơ phẹc. Nhất bà má 😏

    nhuw 3 tuần trước · Trả lời

    Loading...